Lưu WAP | Gửi SMS |
Có yêu mới cưới
Đó là 1 trong 8 lời khuyên rất có ích tạp chí Tâm lý Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn phần nào nguy cơ đổ vỡ ở các cặp vợ chồng.
1. Tránh sống thử
Khái niệm sống thử không còn xa lạ với tất cả mọi người, đặc biệt là lớp trẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, sống thử trước khi kết hôn khiến nguy cơ chia tay hoặc nếu kết hôn rồi có tỷ lệ đổ vỡ cao. Nguyên nhân đơn giản là do cuộc sống gia đình hiện tại không như cuộc sống thử trước đây khiến nhiều người “vỡ mộng”.
2. Kết hôn khi đã thực sự trưởng thành
Theo thống kê và các lời khuyên của nhiều chuyên gia tâm lý - sức khỏe Mỹ, kết hôn từ độ tuổi 25 trở lên khiến hôn nhân được xây dựng trên nền tảng vững chắc hơn, nguy cơ đổ vỡ thấp hơn so với kết hôn trước tuổi 25.
3. Bàn kĩ mọi vấn đề trước khi cưới
Công việc, nơi làm việc, tuần trăng mật, sinh con, tài chính gia đình…là những vấn đề quan trọng cần được đôi bên cùng nhau suy tính kĩ càng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cách làm trên không những khiến đôi bên hiểu nhau, thống nhất quan điểm, tìm được tiếng nói chung mà còn có thêm sự hài lòng cũng như tinh thần trách nhiệm đối với tổ ấm mà họ sắp xây dựng.
4. Dừng đúng lúc khi phát sinh mâu thuẫn
Đừng vì quá tự trọng hay kiêu ngạo mà cãi đến cùng cho quan điểm của mình bắt đối phương phải tâm phục khẩu phục. Tranh luận, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc gì cũng nên có chừng mực, đừng để “hiểu nhau quá” rồi chán bỏ, ly hôn.
Đối phó với những mâu thuẫn phát sinh dẫn đến tranh cãi cần thái độ bình tĩnh. Tốt nhất nên vận dụng tối đa những câu nói hài hước, thân thiện để hóa giải mối mâu thuẫn này.
5. Cùng làm việc nhà
Một người tích cực lo cho gia đình trong khi người kia lại lười biếng, ỷ lại, dựa dẫm thì ly hôn là điều tất yếu.
Hình thành tổ ấm gia đình bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó cần có thái độ tích cực của cả đôi bên. Cùng nhau gánh vác công việc gia đình khiến đôi bên càng hiểu, quý trọng và yêu nhau hơn.
6. Giữ lễ nghĩa
Dù chồng hay vợ có học vấn, địa vị, mức lương thấp hơn cũng không nên lấy lý do đó để đánh đồng giải thích cho mọi vấn đề. Dù đôi bên đã là của nhau, vẫn cần giữ những lễ nghĩa nhất định, tôn trọng đối phương cũng như tôn trọng và giữ thể diện cho chính mình.
7. Có “bệnh” cùng chữa
“Bệnh” ở đây không chỉ đơn thuần về mặt sinh lý mà còn là bệnh về tâm lý. Ai cũng có những tật xấu, nhược điểm. Đã xác định lấy nhau là cùng sống dưới một mái nhà, cùng tạo dựng tổ ấm. Do đó, đôi bên cần học cách khoan dung, hiểu và bỏ qua cho những tật xấu ấy, đồng thời cùng nhau nhắc nhở và cố gắng để sửa sai. Điều đó đã khiến khúc mắc hôn nhân phần nào được giải quyết, nguy cơ đổ vỡ sẽ không thể rình rập hàng ngày nữa.
8. Có yêu mới cưới
Theo nghiên cứu, tỷ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng kết hôn không tình yêu mà vì mục đích khác: tiền bạc, trả ân nghĩa, hẹn ước của người bề trên… cao hơn rất nhiều so với những cặp vợ chồng kết hôn trên cơ sở tình yêu.
Tình yêu là sợi dây vô hình gắn kết hai con người xa lạ. Có tình yêu, con người ta sẵn sàng học cách khoan dung, biết tha thứ cho những điều nhỏ nhặt để cùng phấn đấu vươn lên xây dựng hạnh phúc.